Biến chứng võng mạc đái tháo đường thường không có triệu chứng hoặc chỉ có dấu hiệu nhẹ như nhìn mờ, tầm nhìn bị thu hẹp… nhưng về lâu dài có thể gây mù lòa.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng (Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM) cho biết, bệnh võng mạc đái tháo đường là biến chứng đái tháo đường làm tổn thương các mạch máu của võng mạc. Những người mắc bệnh võng mạc tiểu đường thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Bệnh nặng hơn sẽ xuất hiện các triệu chứng như mờ mắt, nhìn thấy vùng sáng hoặc vùng tối, khó nhìn vào ban đêm, nhìn mờ hoặc mờ, tầm nhìn bị thu hẹp. Bệnh nhân càng lớn tuổi, nguy cơ biến chứng về mắt càng cao.
Đường huyết cao lâu ngày dẫn đến tắc nghẽn các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng võng mạc, cắt đứt nguồn cung cấp máu cho võng mạc. Sau đó, mắt cố gắng phát triển các mạch máu mới. Nhưng các mạch máu mới không phát triển đúng cách và dễ bị rò rỉ. Tổn thương mạch máu ở võng mạc ảnh hưởng đến thị lực, nếu không điều trị sớm sẽ gây biến chứng nguy hiểm ở mắt.

Bệnh võng mạc tiểu đường ảnh hưởng đến thị lực. Hình ảnh: Freepik
Bệnh võng mạc tiểu đường được chia thành hai giai đoạn: không tăng sinh và tăng sinh.
Bệnh võng mạc nền (không tăng sinh): Ở giai đoạn đầu, các mạch máu nhỏ bị rò rỉ khiến võng mạc sưng lên, gây phù hoàng điểm. Theo bác sĩ Tùng, đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây giảm thị lực ở bệnh nhân tiểu đường. Ngoài ra, các mạch máu ở võng mạc có thể hẹp lại, gây thiếu máu cục bộ ở điểm vàng hoặc xuất tiết hình thành ở võng mạc, ảnh hưởng đến thị lực.
Bệnh võng mạc tăng sinh: Đây là giai đoạn nặng hơn của bệnh võng mạc tiểu đường, xảy ra khi võng mạc bắt đầu phát triển các mạch máu mới. Mạch máu mới thường mỏng manh, dễ rò máu vào thủy tinh thể, nếu rò nhiều sẽ gây mờ. Các mạch máu mới có thể hình thành mô sẹo ảnh hưởng đến điểm vàng, dẫn đến bong võng mạc.
Nếu thấy những dấu hiệu bất thường ở mắt, người bệnh tiểu đường cần đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Theo bác sĩ Tùng, tùy vào tình trạng sức khỏe của mắt mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với từng cá nhân. Tuy nhiên, điều đầu tiên người bệnh tiểu đường cần làm là kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp để ngăn ngừa suy giảm thị lực. Bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường sẽ hướng dẫn người bệnh chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp, kiểm soát tốt đường huyết để quá trình điều trị đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh việc đi khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết - đái tháo đường, người bệnh nên khám mắt định kỳ để bảo vệ đôi mắt của mình.
Bệnh nhân sẽ được bác sĩ nhãn khoa chỉ định một trong các phương pháp điều trị là tiêm thuốc vào mắt giúp giảm phù hoàng điểm, làm chậm quá trình giảm thị lực và có thể cải thiện thị lực; laser để giảm sưng ở võng mạc. Phẫu thuật cắt dịch kính được sử dụng trong trường hợp bong võng mạc để sửa chữa các lỗ hoặc vết rách trên võng mạc, loại bỏ xuất huyết dịch kính và điều chỉnh các nguồn chảy máu trong võng mạc.
Đình Tiến