Thanh long giàu chất chống oxy hóa, giàu chất xơ góp phần kiểm soát đường huyết, cải thiện tình trạng kháng insulin cho người bệnh tiểu đường.
Thanh long thuộc họ xương rồng, chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất cho cơ thể khỏe mạnh. Chỉ số đường huyết (GI) của thanh long thấp, trong khoảng 48-52, giàu chất xơ, tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Chất xơ làm chậm quá trình hấp thụ đường hoặc carbohydrate (carbs) để giữ cho lượng đường trong máu ổn định.
Các thử nghiệm trên động vật trước đây đã phát hiện ra rằng thanh long thúc đẩy sự phát triển của các tế bào tuyến tụy sản xuất insulin. Một nghiên cứu của Đại học Mahidol (Thái Lan) đã xem xét tác dụng của thanh long đối với việc kiểm soát lượng đường trong máu của gần 150 người mắc bệnh tiểu đường và tiểu đường loại 2.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nhiều thử nghiệm so sánh tác dụng của thanh long với giả dược ở những nhóm người này. Kết quả công bố trên tạp chí Plos One (Mỹ) năm 2017 cho thấy thanh long có tác dụng kiểm soát đường huyết lúc đói đáng kể ở người tiền đái tháo đường. Bạn càng ăn nhiều thanh long thì càng có lợi cho lượng đường trong máu của bạn.

Thanh long rất giàu chất chống oxy hóa và chất xơ. Hình ảnh: Freepik
Theo Tiến sĩ Pavithra, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Manipal (Ấn Độ), thanh long chứa chất chống oxy hóa betacyanins và betaxanthin. Các hợp chất này trung hòa các gốc tự do trong cơ thể, giúp giảm tổn thương tế bào. Chất chống oxy hóa có lợi trong việc ngăn ngừa các tình trạng viêm như viêm do bệnh gút, tiểu đường và các dạng viêm khớp khác.
Hàm lượng flavonoid và chất chống oxy hóa cao trong loại quả này cũng có thể ngăn ngừa stress oxy hóa và tổn thương tuyến tụy, giúp bảo tồn các tế bào beta và chức năng của tuyến tụy. Betacyanin có trong vỏ ngoài của thanh long giúp cải thiện tình trạng kháng insulin.
Bệnh nhân tiểu đường có thể ăn không quá 100 g thanh long mỗi ngày để tránh tăng đột biến lượng đường trong máu và hỗ trợ giảm cân. Thanh long khá lành tính, không có tác dụng phụ. Loại trái cây này có thể được sử dụng trực tiếp khi còn tươi, trái cây đông lạnh, trái cây sấy khô, kem trái cây, hỗn hợp trái cây, nước xốt salad và nước tăng lực có hương vị. Lượng đường và calo trong mỗi món ăn có chứa thanh long sẽ khác nhau. Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường cần chú ý đến các chỉ số trước khi sử dụng. Với thanh long đã qua chế biến và bảo quản, chỉ số đường huyết cũng có thể bị thay đổi.
Ngoài tác dụng có lợi cho bệnh tiểu đường, thanh long còn góp phần cải thiện sức khỏe đường ruột, tăng cường tiêu hóa. Loại quả này rất giàu carbohydrate, giúp kích thích sự phát triển của vi khuẩn có ích trong dạ dày và ruột. Nó cũng chứa axit béo, bao gồm axit béo omega-3 và omega-9, dầu tự nhiên có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Anh Chí
(Dựa trên Tin Tức Y Tế Hôm Nay, Health Shots)